Cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Luật Giá được Quốc hội nước thông qua ngày 19/6/2023. Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giáquy định từĐiều 12 đến Điều 16 như sau:
Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá
(1) Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá; (2) Quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; (3) Tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về giá; (4) Quản lý hoạt động thẩm định giá; tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước; (5) Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá, thẩm định giá; (6) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá; (7) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; (8) Hợp tác quốc tế về giá, thẩm định giá.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
Thống nhất quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá theo thẩm quyền; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Quy định, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật Giá; Quyết định và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, điều tiết giá theo quy định của Luật Giá. Phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và các nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
(1) Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; (2) Ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giá; (3) Trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (4) Trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật Giá trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (5) Trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức thực hiện bình ổn giá theo phân công của Chính phủ; (6) Định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và hướng dẫn thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Giá (7) Tiếp nhận kê khai giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền; (8) Tổ chức hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực, phạm vi quản lý; (9) Tổ chức triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; (10) Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây: Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, cấp chứng chỉ nghiệp vụ thẩm định giá cho thẩm định viên về giá và người làm công tác thẩm định giá của Nhà nước; Quy định về việc thi, cấp, quản lý, tước có thời hạn và thu hồi thẻ thẩm định viên về giá; Cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Quản lý hoạt động hành nghề của thẩm định viên về giá; Quản lý hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá; quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá đối với hội nghề nghiệp về thẩm định giá theo quy định của pháp luật; quy định về việc đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; (11) Tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định pháp luật; (12) Thực hiện hợp tác quốc tế về giá, thẩm định giá; (13) Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá, thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thanh tra; (14) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; (15) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; (16) Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phân công của Chính phủ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
(1) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. (2) Ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá thuộc lĩnh vực quản lý; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giá. (3) Đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. (4) Đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật Giá. (5) Đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ chủ trương bình ổn giá; tổ chức thực hiện bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực. (6) Định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền theo quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. (7) Tiếp nhận kê khai giá theo phân công của Chính phủ. (8) Tổ chức hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực, phạm vi quản lý. (9) Cập nhật thông tin, dữ liệu về giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của Chính phủ. (10) Tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. (11) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá. (12) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. (13) Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phân công của Chính phủ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá tại địa phương theo quy định của pháp luật; có thẩm quyền quyết định, phân công nhiệm vụ đối với từng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo ngành, lĩnh vực, cơ quan hành chính cấp dưới tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.
Ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giá.
Tổ chức thực hiện bình ổn giá trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Giá; phối hợp với các địa phương khác trong việc triển khai bình ổn giá.
Định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền theo quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Tổ chức phân công, phân cấp việc tiếp nhận kê khai giá trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, thực hiện cập nhật thông tin, dữ liệu về giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; quyết định việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của Chính phủ.
Đề xuất với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Đề xuất với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật Giá.
Tổ chức hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Giá.
Tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật.
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo về giá, thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương trong từng giai đoạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch để triển khai các giải pháp phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá thị trường trên địa bàn.
Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật Giá, quy định khác của pháp luật có liên quan và phân công của Chính phủ.